Giỏ hàng

Tính độc quyền và khan hiếm của hàng xa xỉ

Bản chất của sự xa xỉ đẳng cấp là tính độc quyền, chỉ những người giàu có và quyền lực nhất mới có năng lực sở hữu túi xách hay đồng hồ cao cấp, sang trọng và xa xỉ.

Chiến lược duy trì tính độc quyền và khan hiếm của ngành hàng xa xỉ

Tình trạng khan hiếm trong ngành hàng xa xỉ làm tăng sức hấp dẫn của thương hiệu và tính độc quyền đối với một sản phẩm nhất định, khiến người tiêu dùng tìm mọi cách để có được mặt hàng đó.

Tính phổ biến càng tăng cao, sự hài lòng khi sử dụng sản phẩm càng ít đi. Vì vậy, người ta thường có xu hướng tìm kiếm những điều mới để có thể phân biệt mình với người khác.

Vì vậy, các thương hiệu xa xỉ luôn duy trì chiến lược xác lập tính độc quyền và khan hiếm của sản phẩm.

Những chiến lược duy trì tính khan hiếm này cũng góp phần vào xu hướng ngày càng tăng của các nhà sưu tập coi xa xỉ phẩm của họ là danh mục để đầu tư tài sản.

Người mua sắm coi các mặt hàng xa xỉ là tài sản có thể đầu tư. Có 62% người bán lại đã bán các phụ kiện cao cấp với giá nhỉnh hơn rất nhiều so với số tiền họ bỏ ra để mua, đây cũng là lí do tại sao nhiều người lại thích sưu tập các phụ kiện xa xỉ đắt giá.

Túi xách xa xỉ

Tăng mạnh giá bán là một cách để duy trì tính độc quyền

Ngày càng nhiều người có khả năng hoặc tìm mọi cách để mua hàng xa xỉ, điều này đã khiến các hãng thời trang cao cấp, với mức độ quyền lực thương hiệu nhất định, quyết định tăng giá để vẫn giữ được tính khan hiếm mà không làm tổn hại đến danh tiếng của họ hoặc sự trung thành của khách hàng.

Định giá luôn là một bài toán khó giúp các ông lớn có thể duy trì tính độc quyền và tính chất khan hiếm là một yếu tố góp phần phức tạp hóa. Trong trường hợp cầu nhiều hơn cung, điều đó sẽ tạo ra sự mất cân bằng trên thị trường.

Đó cũng là lý do tại sao thương hiệu Louis Vuitton, tuy không tăng giá nhưng đã ngừng bán trực tuyến chiếc túi xách Neverfull vào tháng 5, để hạn chế khả năng tiếp cận của người dùng với nguồn cung của nó.

Tương tự, Hermès sẽ không bán Birkin cho khách hàng không có lịch sử mua sắm xa xỉ phẩm của hãng nhiều lần. Còn Telfar thì tuyên bố kết thúc Bag Security Program – hay còn gọi là Chương trình Bảo mật Túi BSPII, một sự kiện bán trước cho khách hàng muốn đặt riêng chiếc túi theo kích thước, màu sắc hoặc chất lượng mà từng cá nhân mong muốn. Vì vậy có thể thấy rằng trong thời đại bất cứ thứ gì cũng có thể trở thành xu hướng, các thương hiệu đi đầu ngành đang cố gắng bảo vệ sự khan hiếm sản phẩm của mình.

Dior vừa công bố đợt tăng giá mới tại Mỹ và trên toàn thế giới. Mức tăng giá được công bố vào tháng 07/2023, trung bình dao động từ 2% - 8% đối với túi xách. Điều đáng lưu ý là giá cả thay đổi theo từng quốc gia, phản ánh điều kiện thị trường khu vực và tỷ giá hối đoái. Mức độ tăng giá mới nhất khác nhau đối với các mẫu túi, với một số mẫu có mức tăng khiêm tốn 2%, trong khi những mẫu khác có mức tăng đột biến lên tới 14% ở một số quốc gia.

Cửa hàng Dior

Cụ thể, túi Lady Dior nổi tiếng đã tăng giá trên toàn cầu với mức tăng giá cao nhất. Chiếc túi Lady D-Joy cỡ nhỏ mới đã tăng 14% tại Hoa Kỳ, từ 4.300 USD lên 4.900 USD. Lady D-Joy cỡ vừa cũng tăng giá đáng kể, tăng từ 5.100 USD lên 5.600 USD, tương ứng với mức tăng giá gần 10%. Dòng túi "yên ngựa" Saddle với cả hai chất liệu da và Oblique đều tăng từ 4.200 USD lên 4.400 USD – tương đương tăng giá 5%. Túi 30 Montaigne cỡ nhỏ tăng 9% lên mức giá bán lẻ mới là 3.600 USD. Các kích cỡ vừa và lớn tăng lần lượt 3% và 6%, hiện có giá 3.450 USD và 3.700 USD.

Mặc dù lần tăng giá mới nhất này không hoàn toàn nhất quán trên tất cả các dòng và mẫu túi xách của Dior, nhưng chúng chắc chắn sẽ tạo ra những tác động về hành vi mua sắm. Các tín đồ thời trang chắc chắn sẽ nghiêm túc hơn khi tìm kiếm chiếc túi xách mà mình muốn sở hữu và đầu tư khi có sự biến động về giá cả.

Túi xách xa xỉ Dior

Theo Bloomberg, giá bán các túi xách Chanel, bao gồm cả những chiếc Flap Bag đặc trưng của thương hiệu thời trang xa xỉ này, có thể lại tăng giá vào tháng 9. Lần gần đây nhất công ty áp dụng mức tăng giá trung bình 8% đối với tất cả mặt hàng túi xách trên toàn thế giới là hồi tháng 3, Giám đốc tài chính toàn cầu Chanel Philippe Blondiaux cho biết trong một cuộc phỏng vấn mới đây.

Sản phẩm xa xỉ Chanel

Chanel thường đánh giá và xét lại giá bán của dòng túi xách mỗi năm 2 lần, vào tháng 3 và tháng 9 hàng năm. Thương hiệu dự định thực hiện chính sách áp dụng tăng giá phù hợp với lạm phát chi phí đầu vào, đồng thời xem xét sự biến động của tiền tệ. Nhà mốt Pháp đặt mục tiêu giảm thiểu chênh lệch giá cho cùng một sản phẩm giữa các khu vực, nhằm hạn chế tình trạng thị trường song song. “Đó là hai yếu tố quyết định khiến chúng tôi cân nhắc thay đổi giá cả hay không trong khoảng thời gian còn lại năm 2023”, ông Blondiaux nói.

Ở đợt tăng giá tháng 3 vừa qua, mức tăng khác nhau tùy thuộc vào từng quốc gia. Giám đốc tài chính cho biết sự kết hợp giữa doanh số bán hàng theo đơn vị và mức tăng giá đã giúp doanh số của thương hiệu thời trang xa xỉ tăng 17% trong năm 2022. Ông đồng thời nhận định việc tăng giá bán túi xách phù hợp với tình hình lạm phát. Trước đó, trong vòng 12 tháng kể từ tháng 03/2021 đến tháng 03/2022, Chanel đã tăng giá tổng cộng 6 lần.


Cũ hơn Mới hơn